Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền trung hiện nay, sử dụng công nghệ tiên tiến, công suất 100.000m3 ethanol/năm, thời gian xây dựng 18 tháng, sử dụng nguyên liệu sắn lát để sản xuất ethanol. Vùng nguyên liệu chủ yếu của nhà máy là tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung Tây nguyên. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 24,62 ha, tại khu Kinh tế Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó giai đoạn 1 xây dựng với diện tích 17,2 ha.

Nhà máy đóng trên địa bàn Khu công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam, tập trung nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn, gần cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và khu đô thị mới Vạn Tường, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng. Bên cạnh đó, nhà máy cũng giáp với các trục đường chính của KCN Dung Quất nối tới đường Quốc lộ 1A, rất thuận lợi để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm đi tiêu thụ trong các vùng lân cận theo đường bộ.

Sự ra đời Nhà máy sản xuất bio-ethanol Dung Quất sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng, tiến tới thay thế một phần xăng; giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường; góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ các cây trồng khác sang cây nguyên liệu; tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động công nghiệp cũng như nông nghiệp; tạo hiệu ứng dây chuyền phát triển kinh tế; góp phần xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự sụt giảm mạnh giá dầu thô trong  nửa cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã gây ra những khó khăn, thách thức đối với Petrovietnam trong kế hoạch đầu tư các dự án. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục và đẩy mạnh thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đã thể hiện quyết tâm của Petrovietnam cũng như tính khả thi và hiệu quả kinh tế của Dự án này.

Việc khởi công xây dựng nhà máy là kết quả nỗ lực phấn đấu của Công ty PCB và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong hơn một năm qua. Đây còn một sự kiện hết sức quan trọng đối với Công ty PCB trên bước đường xây dựng và trưởng thành; tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, ngày 24/8/2009, Công ty PCB và Tổng công ty PTSC đã ký hợp đồng thiết kế – mua sắm – xây lắp (EPC) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất. Đây là hợp đồng lớn nhất và quan trọng nhất của Dự án để thực hiện xây dựng Nhà máy, bao gồm toàn bộ các phân xưởng công nghệ và phụ trợ, các hạng mục công trình chung khác trong phạm vi hàng rào nhà máy. Để thực hiện dự án này, Tổng công ty PTSC hợp tác liên danh với đối tác là Công ty Alfa Laval (Ấn Độ) cùng thực hiện. Liên danh PTSC – Alfa Laval cũng sẽ mời nhà thầu phụ Delta-T (Mỹ) tham gia cung cấp bản quyền công nghệ cho Dự án.

Phạm vi công việc giao cho Liên danh các nhà thầu do Tổng công ty PTSC đứng đầu theo Hợp đồng EPC gồm: Thiết kế chi tiết; mua sắm vật tư thiết bị; xây dựng, lắp đặt; chạy thử, nghiệm thu và chuyển giao cho Chủ đầu tư vận hành nhà máy. Ngoài ra, nhà thầu còn phải thực hiện công tác đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy cho Chủ đầu tư. Hợp đồng này có giá trị khoảng 60 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tháng. Thời gian hoàn thành và bàn giao công trình cho chủ đầu tư là tháng 3/2011.

Dự án nằm trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Đây là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thứ 2 của Petrovietnam được khởi công. Trước đó, Petrovietnam đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên của mình tại tỉnh Phú Thọ và dự kiến khởi công xây dựng Nhà máy thứ 3 tại tỉnh Bình Phước trong năm 2010.

Dự án nằm trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Đây là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thứ 2 của Petrovietnam được khởi công. Trước đó, Petrovietnam đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên của mình tại tỉnh Phú Thọ và dự kiến khởi công xây dựng Nhà máy thứ 3 tại tỉnh Bình Phước trong năm 2010.

Tại Lễ khởi công sáng nay, Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) cùng các ngân hàng BIDV, VCB, Ocean Bank và Liên Việt Bank cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá gần 1000 tỷ đồng với Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền trung để triển khai xây dựng dự án./.

Thông tin về Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (PCB):

–    Thành lập ngày 15/8/2009;

–    Vốn điều lệ ban đầu 45 tỳ đồng, hiện đang điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 450 tỷ đồng;

–    Các cổ động góp vốn:

+ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR (đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất) góp 60% vốn điều lệ;

+ Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) góp 30% vốn điều lệ;

+ Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí (PVFC) góp 10% vốn điều lệ;

–    Văn phòng Công ty: Tầng 3, Toà nhà Petrosetco Tower, số 01 An Dương Vương, TP. Quảng Ngãi.

Thông tin về tình hình sản xuất nhiên liệu sinh học trên thế giới và Việt Nam

Hiện nay, 47% ethanol nhiên liệu trên thế giới được sản xuất từ mía đường và 53% được sản xuất từ nguyên liệu chứa tinh bột. Năm 2003 toàn thế giới đã sản xuất được 38,5 tỷ lít ethanol nhiên liệu (trong đó châu Mỹ chiếm khoảng 70%, châu Á 17%, châu Âu 10%), trong đó 70% được dùng làm nhiên liệu, 30% được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, y tế, hoá chất. Đến năm 2007, lượng ethanol nhiên liệu sản xuất đã tăng lên 56 tỷ lít, trong đó tỷ lệ sử dụng làm nhiên liệu tăng lên 75%. Dự báo đến năm 2012 (khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực), lượng ethanol nhiên liệu thế giới sẽ tăng lên 79,3 tỷ lít và tỷ lệ sử dụng làm nhiên liệu tăng lên tới 85%.

Trên thế giới, Brasil, Mỹ và Trung Quốc là 3 quốc gia đứng đầu về sản xuất và sử dụng ethanol nhiên liệu. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia phát triển rất nhanh về sản xuất và sử dụng xăng pha cồn sản xuất từ phế phẩm của sắn, hạt ngô, cây ngô, đường, bã mía. Năm 2004, Thái Lan đã sản xuất trên 280.000 m3 cồn, đầu tư thêm 20 nhà máy để năm 2015 có trên 2,5 tỷ lít cồn dùng làm nhiên liệu.

Cồn ở Việt Nam được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu rỉ mía đường. Mỗi năm tổng công suất sản xuất cồn trên cả nước đều tăng tập trung ở 3 nhà máy lớn có công suất từ 15.000 – 30.000 lít/ngày là nhà máy đường Hiệp Hoà, Lam Sơn, nhà máy bia rượu Bình Tây… và hàng trăm cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ với công suất từ 3.000 – 5.000 lít/ngày. Sản lượng cồn Việt Nam hiện nay còn rất nhỏ, công suất sản xuất của mỗi nhà máy cũng nhỏ, các đơn vị sản xuất cồn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu không ổn định, công nghệ sản xuất lạc hậu, tốn nhiều chi phí sản xuất nên sản phẩm không có sức cạnh tranh cao.

Do nhu cầu thị trường tiêu thụ cồn trong nước ngày càng tăng, các đơn vị sản xuất cồn trong nước đẩy mạnh sản xuất, đồng thời mở rộng thêm nhiều nhà máy mới (Công ty cổ phần mía đường Biên Hoà đầu tư xây dựng nhà máy công suất 50.000 tấn/năm, Công ty Đồng Xanh đầu tư xây dựng nhà máy công suất 60.000 lít/ngày, Công ty CP Cồn sinh học Việt Nam đầu tư nhà máy 66.000 m3/năm tại Đắc Lắc, BIDV đầu tư nhà máy công suất 100.000 tấn/năm tại Quảng Nam, Công ty CP Hoá dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí xây dựng nhà máy công suất 100.000 tấn/năm tại Phú Thọ…)