Cần hiểu đúng về năng lực lọc dầu và chính sách thuế
Thời gian gần đây, báo giới bỗng dưng “tự làm nóng” câu chuyện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị Chính phủ về chính sách thuế và kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu xăng dầu trong nước.
Chưa vội đánh giá mức độ thông tin của những bài báo đó đúng hay sai, chỉ mạn phép được “nói thêm” một vài luận điểm để rộng đường dư luận.
Trước hết, nhiều bài báo dẫn ra nhiều thông tin, lý lẽ, phân tích văn bản của PVN gửi Chính phủ và đưa ra khá nhiều bình luận phiếm diện, thiếu thông tin và không có tinh thần xây dựng.
Cụ thể, trong bài “Dự án lọc dầu: xin bảo hộ thì đừng mở rộng sản xuất nữa!”, tác giả cho rằng:
– “Với bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế cũng giảm, càng làm lộ rõ tính hiệu quả của các nhà máy lọc dầu của PVN là thấp. Bởi vậy, việc các nhà máy này vẫn tồn tại và tiếp tục tiêu thụ được sản phẩm có nghĩa là cả nền kinh tế Việt Nam phải ngậm hai “quả đắng” lọc dầu này, tiếp tục phải trực tiếp và gián tiếp bù lỗ cho chúng duy trì hoạt động”.
– “Kỳ lạ thay, PVN, các cổ đông của họ và các cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét hoặc quyết định nâng cấp và mở rộng đáng kể công suất của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất (từ 6,5 triệu lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2021) và Nghi Sơn (từ 200.000 thùng/ngày lên 400.000 thùng/ngày), với lý do để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang ngày càng tăng ở Việt Nam”.
– “Nếu muốn mở rộng thị phần bằng cách tăng công suất lọc dầu cho các nhà máy này thì PVN phải chấp nhận bị cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu mà không được hưởng sự bảo vệ bằng bất cứ chính sách nào của Chính phủ…”.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả
Chúng tôi xin làm rõ 3 luận điểm trên:
1. Hiện tại, nước ta mới chỉ có một nhà máy lọc dầu đang hoạt động, đó là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang tiến hành xây dựng EPC, chưa sản xuất một giọt xăng dầu nào, đến cuối năm 2017 mới hoàn thành. Vì thế không thể “đưa” Lọc dầu Nghi Sơn vào danh mục nhà máy lọc dầu không hiệu quả được. Còn nói NMLD Dung Quất hoạt động thiếu hiệu quả cũng là một sai lầm.
NMLD Dung Quất được xây dựng là cả một chủ trương, hoài bão lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta mong muốn chủ động về nguồn cung xăng dầu, đảm bảo AN NINH năng lượng quốc gia và AN NINH quốc gia. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD với công suất lọc là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Hiện nay, suất đầu tư là 1:1, tức phải bỏ ra 1 tỷ USD để có 1 triệu tấn sản phẩm (Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, công suất lọc 10 triệu tấn/năm. Xét là suất đầu tư, NMLD Dung Quất được xây dựng rất đúng thời điểm, tiết kiệm cho nhà nước 1,5 tỷ USD nếu so với thời giá hiện tại.
NMLD Dung Quất cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào tháng 2/2009, đến nay đã trải qua 6 năm hoạt động, nhà máy đã đóng góp cho ngân sách quốc gia trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Trong đó hai năm 2013 và 2014, Nhà máy đóng góp lần lượt 28,4 nghìn tỷ đồng và 23,2 nghìn tỷ đồng. NMLD Dung Quất như “gà đẻ trứng vàng”, trong khi bản thân nhà máy vẫn “chạy tốt” trong vòng một đời người nữa. Và trên hết đó là tài sản quốc gia, do người Việt xây dựng, quản lý, vận hành.
Từ cuối năm 2014, giá dầu thế giới giảm mạnh đến mức nhiều nhà máy lọc dầu “có số có má” ở những cường quốc lọc dầu Nhật Bản, Hàn Quốc lao đao; thậm chí có nhà máy thua lỗ nhiều tỷ USD. Thế nhưng NMLD Dung Quất vẫn ổn định sản xuất, luôn duy trì 105 – 107% công suất. Tính đến tháng 7 năm 2015, Nhà máy hoàn thành kế hoạch năm đóng góp cho ngân sách quốc gia. Dự báo cả năm 2015, Nhà máy sẽ góp vào ngân sách quốc gia vượt 200% kế hoạch, ước chừng 1,5 tỷ USD. Trong bối cảnh giá dầu thô suy giảm, thu ngân sách bị hao hụt nhiều thì việc một nhà máy lọc dầu đóng góp đến 1,5 tỷ USD là một “hiện tượng” đến ngay cả những nhà bản quyền công nghệ lọc hóa dầu thế giới cũng phải bất ngờ.
Cũng phải nói thêm, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất đã phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất để cố gắng vượt qua khó khăn về giá dầu thô giảm, tăng doanh thu. Một trong những sáng kiến có lợi cho nhà nước 20 triệu USD/năm là nâng cấp phao rót dầu không bến (SPM) từ tiếp nhận tàu dầu thô trọng tải 100 nghìn tấn lên 150 nghìn tấn. Những con tàu vượt đại dương chuyên chở dầu thô Trung Đông, Bắc Phi và Liên bang Nga có thể dễ dàng cập bến SPM. Tổng số tiền nâng cấp công suất của phao chỉ là 320 nghìn USD.
Hoặc sáng kiến “Nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện lộ trình, thực hiện triển khai giải pháp tối ưu hóa và tinh chỉnh tổng thể các vòng điều khiển của NMLD Dung Quất” đã đem lại lợi nhuận cho Công ty BSR khoảng 3,5 triệu USD/năm. Hơn thế nữa, nếu có thể thực hiện cải tiến tối ưu thì con số lợi nhuận ước tính khoảng 15 triệu USD/năm.
35 triệu USD/năm, tức khoảng 800 tỷ đồng, ngang bằng với GDP của một tỉnh trung bình ở nước ta. Đó mới chỉ là 2 trong số hàng trăm sáng kiến mà các kỹ sư lọc hóa dầu Dung Quất áp dụng trong thực tiễn sản xuất.
Với việc mỗi năm đóng góp cho ngân sách quốc gia hơn 1 tỷ USD và gián tiếp làm lợi cho nước nhà hàng chục triệu USD từ sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất; ai dám nói NMLD Dung Quất hoạt động không hiệu quả?
2. Việc nâng cấp, mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta muốn có một nền công nghiệp lọc hóa dầu hùng mạnh. NCMR NMLD Dung Quất không phải là ý tưởng của một nhóm người, đó là cả một quyết sách của Chính phủ dựa trên những tính toán có tính chu kỳ của một nhà máy lọc dầu.
Chúng ta đều biết, công nghệ lọc hóa dầu thay đổi từng năm, thậm chí từng ngày. Một nhà máy xây dựng mới tinh thì 10 năm sau vận hành phải nâng cấp để đáp ứng 2 tiêu chuẩn: Một là, đáp ứng các yêu cầu khí thải phải sạch hơn do hiện tượng trái đất nóng lên; Hai là, nâng cao tính cạnh tranh kinh tế của nhà máy. NMLD Dung Quất không là ngoại lệ đó.
Thời điểm NMLD Dung Quất được xây dựng vào năm 2005, tiêu chuẩn khí thải ở Việt Nam áp dụng là Euro 2 nhưng theo Quyết định số 49 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng khí thải đối với xe ôtô và môtô 2 bánh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 từ ngày 1/1/2017 và tiêu chuẩn Euro 5 vào 1/1/2022… NMLD Dung Quất và hàng trăm nhà máy lọc dầu khác trên thế giới xây dựng cùng thời điểm hoặc hoạt động trước đó phải tiến hành nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là việc làm hết sức bình thường và Việt Nam cam kết phải thực hiện.
NMLD Dung Quất giai đoạn 1 được thiết kế để sử dụng chế biến nguồn dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu trong nước khác tương đương. Dầu Bạch Hổ là chủng loại dầu ngọt, chất lượng tốt đứng hàng đầu thế giới. Từ 2009 đến nay, nhà máy chủ yếu lọc và chế biến các loại dầu này. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, ngay từ cơ sở thiết kế ban đầu, nhà máy đã được định hướng đến giai đoạn 2, về cơ bản, hầu hết các phân xưởng hiện hữu đã được thiết kế xây dựng với tiên liệu tính toán kết nối với giai đoạn 2, để có thể lọc loại dầu nặng hơn, “chua” hơn (tức nhiều lưu huỳnh hơn).
Sau hơn 6 năm vận hành nhà máy và kể từ khi khai thác dầu Bạch Hổ đến nay, sản lượng dầu Bạch Hổ đã bắt đầu suy giảm, tương lai gần sẽ không còn đủ đáp ứng được nhu cầu đầu vào của NMLD Dung Quất. Hiện, NMLD Dung Quất đã đàm phán các đối tác và mua dầu thô từ Nga, Trung Đông. Trong tương lai, dầu thô từ Nga và Trung Đông là nguồn dầu chính để nhà máy hoạt động ổn định, nâng cao sức cạnh tranh.
Khi một nhà máy có công suất chừng 8- 10 triệu tấn sản phẩm/năm thì xét về suất đầu tư, chi phí trên một lượng sản phẩm sẽ càng giảm, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Với chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam, việc tăng công suất NMLD Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm cộng với NMLD Nghi Sơn sẽ cơ bản đáp ứng 80% nhu cầu của thị trường trong nước, giảm thiểu xăng dầu nhập khẩu. Đó là những yếu tố đòi hỏi phải nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
3. Theo cam kết trong ASEAN, các hiệp định FTA và ATIGA (Hiệp định thuế áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN), Việt Nam phải thực hiện giảm thuế.
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Bộ Tài chính đã có động thái tích cực khi ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo cam kết trong ASEAN, năm 2015 thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với diesel là 5%, dầu hỏa là 5%, nhiên liệu phản lực (Zet A1) là 5%, Mazut là 0%. Năm 2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu sẽ về 0%.
Hiện tại thuế nhập khẩu diesel là 10%, dầu hỏa là 13%, Zet A1 là 10%, Mazut là 10%. Trong khi đó, tháng 4/2015, Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế áp dụng cho xăng Dung Quất từ 35% giảm xuống còn 20%, dầu diesel Dung Quất giảm từ 30% xuống còn 20%. Như vậy, mặt hàng xăng dầu “Made in Viet Nam” đang bị áp thuế cao hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại nhập khẩu.
Thực tế, trước kia khi Việt Nam chưa hội nhập sâu với kinh tế thế giới, thuế sinh ra có nhiệm vụ chính là bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng khi đã hội nhập sâu rộng thì “biên giới về thuế” không còn, hàng hóa của nước ta phải cạnh tranh trực tiếp về giá cả, chất lượng với hàng ngoại nhập.
Có thể khẳng định, về mặt chất lượng, xăng dầu Việt Nam không hề kém cạnh so với xăng dầu Singapore (trung tâm lọc hóa dầu khu vực Đông Nam Á và là nhà cung cấp xăng dầu chính cho nước ta). Bởi xăng dầu Việt Nam được lọc từ dầu ngọt Bạch Hổ, trong khi xăng dầu Singapore lọc từ dầu chua có giá rẻ từ Trung Đông.
Vì vậy, trong ngữ cảnh đó, tính cạnh tranh của mặt hàng xăng dầu nội và ngoại có chăng chỉ ở giá cả. Ví dụ một cách nôm na, hiện một lít dầu diesel từ Singapore có giá cơ sở là 15.000 đồng, cộng thêm 10% thuế khi về tới Việt Nam là 16.500 đồng. Tuy nhiên, cũng mặt hàng dầu diesel Dung Quất có giá cơ sở 15.000 đồng/lít nhưng bị áp thuế 20%, tức giá thành sẽ đội lên 18.000 đồng/lít. Vậy thì chúng ta đang tự làm khó chúng ta trên sân chơi toàn cầu.
Vậy nên, việc kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên Chính phủ xem xét áp thuế xăng dầu Dung Quất như mặt hàng nhập khẩu là một kiến nghị đúng đắn, sòng phẳng, chỉ kiến nghị bằng chứ không hề giảm thấp hơn so với biểu thuế áp với xăng dầu nhập khẩu. Những kiến nghị đó nằm trong lằn ranh của những việc mà doanh nghiệp nhà nước có quyền thực hiện và Chính phủ sẽ xem xét và có quyền quyết định giảm mà không vi phạm bất cứ một luật lệ trong nước và quốc tế nào.
Trong sân chơi toàn cầu, thuế nhập khẩu các mặt hàng từ nước ngoài giảm bao nhiêu thì thuế áp cho hàng nội cũng nên giảm tương ứng để tạo sự công bằng. Có thể kết luận, việc giảm thuế ngang bằng hàng ngoại là khẳng định: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu mà không được hưởng sự bảo vệ bằng bất cứ chính sách nào của Chính phủ…” như tinh thần bài báo mong muốn.