Sử dụng xăng E5: An toàn và Hiệu quả
Tại hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học – Giải pháp phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia khẳng định, xăng sinh học E5 không chỉ an toàn với động cơ, mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến được đưa ra tại hội thảo này.
Ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Cần chính sách hợp lý cho nhà máy sản xuất ethanol
Petrolimex triển khai việc kinh doanh xăng E5 từ tháng 8-2014 với trên 50 cửa hàng, sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 4.000m3/tháng. Đến thời điểm hiện nay, Petrolimex đã có hơn 500 cửa hàng xăng dầu đang bán xăng E5, sản lượng tiêu thụ khoảng 28.000m3/tháng.
Do ý thức được việc triển khai bán xăng E5 trên toàn quốc của Chính phủ cũng như chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công Thương, Petrolimex đã chuẩn bị tích cực về tất cả các điều kiện từ cơ sở vật chất, công tác truyền thông, đào tạo công nhân viên trực tiếp tổ chức cung ứng xăng E5 ra thị trường hiểu biết lợi ích cũng như các thông số kỹ thuật của mặt hàng xăng E5, có thể giải đáp các tính chất lý hóa để người tiêu dùng yên tâm. Petrolimex cũng đã triển khai thí điểm các hình thức phối trộn ở bể và thí điểm vận tải xăng E5 bằng đường thủy, đường ống để có khả năng đáp ứng tốt nhất khi nhu cầu tiêu thụ xăng E5 tăng cao.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, Chính phủ cũng cần những chính sách hợp lý cho những nhà máy sản xuất ethanol, đặc biệt đối với việc quy hoạch các vùng nguyên liệu để đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy.
Trạm xăng của PVOIL triển khai bán xăng E5 đầu tiên trên cả nước |
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng: Lợi ích nhiều mặt
Xăng sinh học được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ quy định ôtô bắt buộc phải chạy bằng xăng sinh học, như châu Âu đã quy định bắt buộc áp dụng xăng E5 (xăng khoáng pha trộn 5% ethanol), dự kiến đến năm 2020 bắt buộc sử dụng xăng E10.
Trong khối ASEAN, Philippines và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu trong việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Philippines đưa Luật Nhiên liệu sinh học vào thực thi năm 2006, quy định bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2009, xăng E10 từ năm 2011. Thái Lan sử dụng xăng E5 từ năm 2005, từ năm 2008 đã bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ xăng E10.
Xăng E5 có lợi ích bảo vệ môi trường khi giảm phát thải độc hại như khí CO, CO2, HC, SO2, đồng thời cải thiện tính năng động cơ do ethanol có trị số octan cao (109) khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng cũng giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra hoàn toàn hơn, tăng công suất và giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện giao thông.
Mặt khác, sử dụng nhiên liệu sinh học cũng giúp phát triển nông nghiệp, các vùng nguyên liệu cho sản xuất ethanol như sắn, mía, tạo thảm thực vật xanh làm giảm ảnh hưởng của bão lũ, xói mòn…
PGS.TS Phạm Hữu Tuyến – Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội): Xăng E5 an toàn cho động cơ
Viện Cơ khí động lực đã tiến hành đánh giá tính năng kỹ thuật ôtô, xe máy sử dụng xăng E5. Khi thử nghiệm xăng E5 trên ôtô, chúng tôi chọn loại xe Ford Laser Ghia 1.8 với hệ thống phun xăng điện tử ở các chế độ số từ 2-5 với 100% tải và gia tốc từ 0-100km/h; xe máy là loại Honda Dream, chế hòa khí với gia tốc tương tự từ 0-70km/h.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, so với xăng Ron 92 thông thường, khi sử dụng xăng E5 công suất trung bình tăng khoảng 3,31%, ngược lại, suất tiêu hao nhiên liệu giảm tới 5,18%. Đặc biệt, trung bình hàm lượng phát thải CO giảm tới 27,7%, HC giảm 16,23% so với xăng RON 92 thông thường. Do quá trình cháy được xăng E5 cải thiện nên hàm lượng NOx và CO2 có tăng, tuy nhiên lượng CO2 tính theo chu kỳ khép kín sẽ giảm do nguồn nguyên liệu sử dụng để chế tạo ethanol sẽ hấp thụ một phần.
Hệ thống phối trộn xăng dầu tại Tổng kho PVOIL Đình Vũ |
Ở đây cũng xin nhấn mạnh rằng, xăng E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành tại Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết.
Ông Nguyễn Như Hải – Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Phát triển vùng nguyên liệu gắn với an sinh xã hội
Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH), tiềm năng của một số loài cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất NLSH như ngô, sắn và mía (sản suất cồn); các cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương, dừa, bông (sản xuất diesel)… Do tính đặc thù về loài cây trồng và điều kiện thực tế, trong thời gian tới, ba loại cây trồng sắn, mía và Jatropha sẽ được nghiên cứu làm loại cây trồng chủ lực phát triển NLSH.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất NLSH cần một số cơ chế hỗ trợ như lồng ghép với các chương trình được sử dụng vốn của ngân hành chính sách, vốn của các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, định canh định cư vùng kinh tế mới… Với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có thêm nguồn vốn ưu đãi cho việc đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất. Nhà nước cũng cần thực hiện tốt chính sách giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai ổn định, lâu dài để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhà máy Ethanol Dung Quất |
Đặc biệt, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí một phần cho các doanh nghiệp chế biến ethanol đầu tư máy móc, trang thiết bị xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến, tránh ô nhiễm môi trường; đầu tư nguồn vốn ngân sách cho các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về giống, quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, cần nhân nhanh bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao, chịu hạn tốt và phù hợp với công nghiệp chế biến ethanol…
Phó cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Phương:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chương trình truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học với mục đích huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động truyền thông nhằm khuyến khích cộng đồng sử dụng NLSH. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về việc sử dụng nhiên liệu sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối tượng, từng vùng miền, nhất là khu vực đô thị, thành phố lớn, nơi có tỷ lệ sử dụng nhiên liệu cao. Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi Trần Phước Hiền: Quảng Ngãi là 1 trong 7 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm sản xuất, phối trộn và kinh doanh xăng E5 để sử sụng cho phương tiện cơ giới đường bộ từ ngày 1-12-2014. Tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện việc phân phối xăng E5 sớm hơn lộ trình quy định của Chính phủ 3 tháng và quy định kể từ ngày 1-8-2014, tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không phân phối xăng RON 92, chỉ phân phối 2 loại xăng là E5 và RON 95. Từ đó đến nay, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Quảng Ngãi chỉ phân phối 2 loại xăng này. Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: NLSH được tạo ra bằng cách phối trộn ethanol với xăng khoáng theo một tỷ lệ nhất định. Sử dụng NLSH thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ xe sử dụng xăng sinh học ít hơn xe sử dụng xăng khoáng từ 20-30%. Mặt khác, sử dụng xăng E5, người tiêu dùng được mua với giá thấp hơn xăng RON 92 khoảng 150-200 đồng/lít. Người nông dân tiêu thụ được sản phẩm- đầu vào của ngành sản xuất nhiên liệu sinh học – ổn định với mức giá cao hơn. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam Lưu Quang Thái,Nhà máy cồn (NMC) Dung Quất đang phối hợp với Hiệp hội và Công ty Tùng Lâm lên phương án sửa chữa, cải hoán, bổ sung trang thiết bị máy móc. MNC Dung Quất đang trình HĐQT để xin chủ trương thực hiện. Nếu được duyệt, thì việc sửa chữa bổ sung sẽ mất khoảng 90 ngày, giúp NMC Dung Quất đạt ngay công suất tối thiểu 60%. Sau khi vận hành ổn định 3 tháng có thể nâng công suất tối thiểu lên 90%. NMC Bình Phước cũng đang hợp tác với Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam và Công ty Tùng Lâm để lập phương án sửa chữa, cải hoán, bổ sung nhằm phục hồi sản xuất và hạ giá thành. Tất cả các nhà máy sản xuất xăng E100 của Việt Nam đều lấy sắn làm nguyên liệu chính, nguyên liệu sắn chiếm hơn 70% giá thành xăng E100. Vì vậy, ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá xăng E100 của Việt Nam có thể cạnh tranh với giá xăng E100 nhập khẩu. Quy định giá sàn và giá trần nguyên liệu sắn là biện pháp cần thiết để ổn định nguyên liệu cho sản xuất cồn và bảo đảm lợi ích cho nông dân. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, việc đưa xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 không những là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới mà còn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Để thành công, Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách phù hợp. Người tiêu dùng cần hiểu và tiếp cận với nhiên liệu sạch. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng phải quyết liệt thực hiện chủ trương này. Đặc biệt, cần bảo đảm đủ nguồn cung ethanol trong nước để phối trộn, đồng thời giá ethanol phải rẻ để đủ sức cạnh tranh với nguồn ethanol nhập khẩu. Việc 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dung Quất sẽ được PVN tái khởi động vào cuối năm nay cũng là một tín hiệu đáng mừng. Về phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5, bên cạnh những đầu mối lớn đủ tiềm lực hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, bồn bể, trạm phối trộn sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ xăng khoáng sang xăng E5, Nhà nước cần có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, việc thuyết phục các cửa hàng tư nhân, đại lý chuyển qua bán xăng sinh học đang gặp khó khăn bởi tâm lý lo ngại xăng sinh học hao hụt nhiều hơn xăng khoáng truyền thống. |