Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nỗ lực xử lý các dự án chưa hiệu quả
Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nỗ lực xử lý các dự án chưa hiệu quả và đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng trong thực tế vẫn còn những rào cản khách quan, một số vướng mắc về cơ chế cần cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ.
Năm 2018, bên cạnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước… một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Công Thương đặt ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là xử lý 5 dự án chưa hiệu quả: Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX); Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Có thể thấy, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bởi bên cạnh các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn khó khăn, giá dầu sụt giảm kéo dài, thị trường xơ sợi, nhiên liệu sinh học kém hấp dẫn nhà đầu tư… thì còn có không ít khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, đặc biệt là các vấn đề về cơ chế tài chính và thuế nhập khẩu.
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ nỗ lực tái khởi động, nâng công suất.
Thực hiện Đề án xử lý các doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã triển khai một loạt các giải pháp để xử lý các dự án chưa hiệu quả như thành lập Ban Chỉ đạo thuộc Tập đoàn về xử lý các dự án kém hiệu quả; tổ chức kiện toàn nhân sự tại các đơn vị, hỗ trợ nhân lực có năng lực, kinh nghiệm từ các đơn vị thành viên Tập đoàn tham gia công tác bảo dưỡng sửa chữa, chuẩn bị các điều kiện để vận hành lại các mhà máy.
Cùng với đó, Tập đoàn và các đơn vị đã chủ động tìm kiếm các đối tác có tiềm lực tài chính hỗ trợ về vốn, có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và thị trường… Các cổ đông và chủ đầu tư đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và làm việc với các ngân hàng tài trợ để tái cơ cấu nợ vay cho dự án nhằm giúp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn đầu nhà máy vận hành lại. Tập đoàn cũng đã có kiến nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép giãn khấu hao đối với các dự án. Đặc biệt, Tập đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các đơn vị kiểm điểm tình hình thực hiện và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Với những giải pháp quyết liệt, các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn đã có những bước chuyển mạnh mẽ, điển hình là Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX). Sau gần 3 năm dừng hoạt động với vô vàn khó khăn, ngày 20/4/2018, PVTEX đã chính thức vận hành thương mại trở lại phân xưởng sợi Filament. Đến nay, sau gần 5 tháng vận hành, PVTEX đã xuất bán gần 1.000 tấn sản phẩm sợi DTY các loại với chất lượng được khách hàng tin tưởng và đưa vào sử dụng sản xuất ổn định.
PVTEX đã đề nghị Viện Textiles Testing Hohenstein (Cộng hòa Liên bang Đức) kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OEKO TEX Standard 100. Kết quả là tháng 8 vừa qua, sản phẩm sợi polyester của PVTEX tiếp tục được cấp Chứng chỉ uy tín nhất thế giới về sự an toàn của các nguyên liệu thuộc ngành dệt may.
Chỉ chưa đầy 5 tháng sản xuất và kinh doanh, PVTEX đã chinh phục không chỉ các khách hàng trong nước mà còn chinh phục được một số khách hàng nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản là những khách hàng khó tính nhất.
PVTEX đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để chuẩn bị nâng công suất, mở rộng thị thường, tiếp tục khai thác tối đa toàn bộ các dây chuyền DTY và toàn nhà máy trong thời gian tới. Các sản phẩm PVTEX sẽ hướng tới không chỉ dừng ở các chủng loại DTY 75/72, 75/36, 150/48, 150/72 như hiện nay, mà sẽ đa dạng hóa các chủng loại khác như 50D, 100D và 300D, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm ở phân khúc cao.
Nhà máy Ethanol Dung Quất sẵn sàng khởi động trở lại.
Về hai Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước do các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với các cổ đông đầu tư thực hiện đã sẵn sàng để vận hành lại. Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký được Hợp đồng hợp tác gia công E100 với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) ngày 12/06/2018.
Do giá sắn tăng cao nên đối tác của cả hai dự án chưa ứng tiền kinh phí và cung cấp sắn nguyên liệu để vận hành lại. Hiện nay, các đơn vị đang xem xét giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế (ngô), và các nguyên liệu khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho việc vận hành lại.
Đối với Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí – PVB) là dự án do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 39,76% vốn điều lệ. Dự án do các cổ đông bên ngoài nắm cổ phần chi phối, PV OIL chỉ là đơn vị phối hợp nhưng cũng đang tích cực thu xếp lịch với các cổ đông của PVB để tổ chức họp cổ đông, tìm ra các giải pháp xử lý tối ưu.
Đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), là đơn vị được bàn giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (trước đây là Vinashin và hiện nay là SBIC) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ tháng 6/2010. Tại thời điểm tiếp nhận, DQS phải chịu gánh nặng tài chính do thua lỗ, công nợ lớn; đầu tư quá dàn trải, quá lớn nhưng trang thiết bị không đồng bộ, dở dang, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và chưa hoàn thành công tác quyết toán.
Hiệu suất sử dụng tài sản của DQS rất thấp, chi phí cố định phân bổ cho các sản phẩm lớn, không có đủ năng lực về tài chính để đi đấu thầu tạo việc làm. Những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tạo điều kiện hỗ trợ để DQS mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng đến nay hoạt động còn rất khó khăn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thuê tổ chức định giá và sẽ nỗ lực tái cơ cấu DQS, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu để chào bán toàn bộ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các phương án này đã được HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét thông qua.
Như vậy, với các nỗ lực vừa qua, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cơ bản có những chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tin tưởng có thể xử lý cơ bản các dự án, doanh nghiệp này vào năm 2020. Riêng đối với Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ làm việc với các cổ đông để tìm phương án tối ưu, bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp.
Bùi Công (pvn.vn)